ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)
Cùng mối quan tâm, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng thống nhất với phương án 1 Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo ông, đây là vấn đề khó, song luật không thể bỏ ngỏ.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hoá nhanh, dân cư dồn về đô thị, nếu không mở rộng nguồn cung nhà ở thì không đáp ứng nhu cầu, giá nhà ở sẽ cao. Thực tế cho thấy, giá nhà đất Việt Nam quá cao so với thu nhập chung của xã hội.
“Nếu giá nhà cao như vậy thì bắt buộc người dân phải ở trong những căn hộ dưới ngưỡng an toàn, không ít trường hợp do không chịu được chi phí mua nhà nên đã chấp nhận xây nhà ở trên đất nông nghiệp”, ông nói.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, quy định như dự thảo luật sẽ đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào; đồng thời thu hút kiều bào ủng hộ đầu tư về quê hương… Tuy nhiên, theo bà Xuân, nếu quy định như dự thảo luật, thì còn nhiều vấn đề đặt ra.
Đại biểu viện dẫn, theo quy định tại khoản 4, Điều 3 của Luật Quốc tịch, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm: người có quốc tịch Việt Nam và người Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Quy định như trên vẫn có hai đối tượng về người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam và người không có quốc tịch Việt Nam.
“Nếu chúng ta quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Phương án 1 tại Điều 44 dự thảo luật là chưa thật sự đầy đủ và cũng chưa thật sự tạo sự công bằng”, bà Xuân nêu.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh tại phiên họp
Từ đó, ĐBQH đoàn Đắk Lắk đề nghị dự thảo luật cần phân định rõ và cần làm rõ quyền của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không còn quốc tịch Việt Nam để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam.
Nữ ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cũng băn khoăn, khi công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thường không sinh sống, làm việc ở trong nước và có thể dẫn đến tình trạng trường hợp có tranh chấp về đất đai; việc sử dụng đất không thường xuyên, gây lãng phí về nguồn lực.
“Trong trường hợp phát sinh tranh chấp về đất đai, việc sử dụng đất không thường xuyên cũng sẽ dẫn đến quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài”, bà Xuân nói đồng thời đề nghị đánh giá tác động, tiếp tục rà soát kỹ, nghiên cứu đầy đủ, cụ thể về nội dung này.
Theo Luân Dũng
Tiền phong